BIỂU HIỆN VÀ CHẨN ĐOÁN SỎI THẬN

Biểu hiện và chẩn đoán của bệnh sỏi thận

Sỏi thận là tình trạng một hoặc vài viên sỏi kết tụ nơi thận hoặc đường tiểu ngăn trở việc bài tiết nước tiểu. Theo thời gian sỏi hình thành ngày càng to ra va khi sỏi lớn tới mức gây tắc hoặc chèn ép các phần mềm của cơ thể khi đó bệnh nhân sẽ cảm nhận được thông qua những cơn đau dữ dội ở vùng bụng dưới và bệnh được chuẩn đoan thông qua việc chụp x- quang hoặc siêu âm. Có những sỏi nhỏ tự ra ngoài qua đường tiểu, nhưng cũng có sỏi thận lớn gây đau đớn và không thể tự ra được nếu không có sự can thiệp của thầy thuốc.

BIỂU HIỆN VÀ CHẨN ĐOÁN SỎI THẬN

Biểu hiện và chẩn đoán bệnh sỏi thận 

Nguyên nhân gây nên sỏi thận

Vì có những rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, sỏi thận hình thành do lượng nước tiểu quá ít, hay nồng độ các chất khoáng tăng cao trong nước tiểu. Các chất khoáng như canxi, oxalat, muối urat, natri, cystine hay phốt-pho lắng đọng trong đài, bể thận kết thành sỏi. Nếu sỏi nhỏ có thể tự ra ngoài trong quá trình bài tiết nước tiểu mà không gây triệu chứng gì.
Nhưng với sỏi lớn, tùy theo kích thước nhỏ to mà xảy ra các trường hợp: di chuyển theo dòng nước tiểu ra ngoài được nhưng có thể gây đau đớn và chảy máu đường tiết niệu; mắc lại ở những chỗ hẹp của niệu quản gây viêm tắc niệu quản; sỏi nằm lại trong đài bể thận, hoặc trong bể thận rồi phát triển to dần choán hết đài bể thận, gây ra những tai biến nghiêm trọng làm huỷ hoại thận và các chức năng của thận. Do sỏi thận có bề mặt xù xì, lởm chởm, sắc nhọn nên rất dễ làm tổn thương thận tạo nên những vết sẹo trong thận, dẫn đến suy thận.

Biểu hiện của bệnh sỏi thận

Các biểu hiện của sự có mặt sỏi thận rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Lúc đầu, viên sỏi có thể gây đau ở vùng bụng phía bên cạnh cơ thể, giữa xương sườn và hông, đau ở hông hay ở giữa lưng với cảm giác đau lan tỏa tới tận háng.

Đau đớn này có thể kèm theo buồn nôn hay nôn vọt, tiếp đó là đái buốt, nước tiểu có mùi hôi hoặc có máu. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, có thể gây bí tiểu do sỏi đã lấp kín đường đi của nước tiểu. Nếu kèm theo đó là sốt cao dần thì có thể là dấu hiệu cho thấy viêm nhiễm đang hiện diện và cần có sự can thiệp y học ngay lập tức.

Triệu chứng của bệnh sỏi thận

Đái rắt, đái buốt, đái đục, đái mủ tái phát nhiều lần, có thể đái ra sỏi.
Đau: Đau dữ dội, đau thường khởi phát từ các điểm niệu quản, lan dọc theo đường đi của niệu quản xuống phía gò mu. Cũng có khi đau xuyên cả ra hông, lưng, có khi buồn nôn và nôn. Đau âm ỉ, gặp ở những trường hợp sỏi vừa và thậm chí lớn nhưng nằm ở vị trí bể thận.
Đái máu: Là biến chứng thường gặp của sỏi thận – tiết niệu, nhất là khi sỏi đang di chuyển bên trong niệu quản gây đau kèm đái máu. Đái buốt, đái rắt, đái mủ: Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu.
Sốt: Người bệnh sốt cao, rét run kèm theo với triệu chứng đau hông, lưng, đái buốt, đái rắt, đái mủ là dấu hiệu của viêm thận – bể thận cấp.
Các dấu hiệu tắc nghẽn đường niệu: Đái tắc từng lúc hoặc hoàn toàn.

Chẩn đoán bệnh sỏi thận


Chẩn đoán hình ảnh
Chụp bụng không chuẩn bị: phát hiện sỏi cản quang ở bể thận, đài thận. niệu quản, bàng quang.
Chụp UIV:
– Giá trị của UIV:
+ Xác định vị trí sỏi cản quang.
+ Phát hiện sỏi không cản quang
+ Đánh giá được chức năng thận từng bên
+ Đánh giá hình dáng số lượng đài bể thận niệu quản, các bất thường dị dạng của đường tiết niệu.
– Chống chỉ định: Suy thận nặng, THA ác tính, đang có tình trạng mất nước, giảm thể tích, thận ứ nước nhiều.
Chụp thận ngược dòng (UPR) :
– Chỉ định:
+ Khi có tình trạng tắc nghẽn, phim chụp thường chụp UIV không phát hiện được sỏi, thận không ngấm thuốc do tình trạng tắc nghẽn.
+ Khi có chống chỉ định chụp UIV
– Chống chỉ định: Nhiễm khuẩn tiết niệu cấp, chấn thương niệu đạo bàng quang
Chụp bể thận, niệu quản qua da – qua bể thận:
+ Khi có tình trạng tắc nghẽn rõ mà có chống chỉ định chụp UPR, hoặc làm UPR bị thất bại.
Siêu âm:
+ Phát hiện sỏi bể thận và một số sỏi niệu quản (đoạn đầu và đoạn cuối).
+ Cho biết kích thước thận, số lượng thận niệu quản, bất thường dị dạng của đường tiết niệu
+ Tình trạng nhu mô thận (xơ hóa), tình trạng đài bể thận (giãn).
Soi bàng quang: phát hiện sỏi bàng quang, tình trạng viêm niêm mạc bàng quang.

Xét nghiệm khác:

  • Nước tiểu: Protein niệu, TB niệu, VK niệu
  • Máu: Ure, creatinin, ĐGĐ, acid uric.

Các xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân và biến chứng chỉ định tuỳ từng TH lâm sàng cụ thể: thăm dò tuyến cận giáp,acid uric niệu, cystin niệu…

Khoảng hơn 50% số người đã từng bị sỏi thận sẽ bị tái phát nên cách tốt nhất là thực hiện biện pháp phòng ngừa như sau : thay đổi thói quen sinh hoạt, nên uống đủ nước (khoảng 2 đến 3 lít nước mỗi ngày); giảm lượng thức ăn chứa nhiều oxalat, canxi như các loại quả hạnh nhân, sô cô la, nước chè, rau chân vịt, dâu tây, ăn ít chất đạm động vật nếu bị sỏi acid uric; uống một số loại thuốc giúp kiểm soát lượng khoáng chất phát triển trong nước tiểu; người bị sỏi thận do tuyến giáp tiết ra nhiều hormon cần điều trị triệt để bằng phẫu thuật tuyến giáp.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *