CÓ THỂ BỊ VIÊM CẦU THẬN CẤP SAU VIÊM HỌNG

Cần cảnh giác viêm cầu thận cấp sau viêm họng là lời khuyên của bác sĩ đối với người bệnh. Viêm họng tưởng chừng là một bệnh đơn giản nhưng nếu không được chữa trị hiệu quả ở giai đoạn cấp tính có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. Tiêu biểu có thể gây ra viêm cầu thận do vi khuẩn, vi rút tích tụ xâm nhập. Do vậy, khi bị viêm họng, người bệnh cần cảnh giác với viêm cầu thận có thể xảy ra để phòng ngừa bệnh cho thật tốt.
CÓ THỂ BỊ VIÊM CẦU THẬN CẤP SAU VIÊM HỌNG

Viêm cầu thận là một bệnh nguy hiểm, đó là tình trạng viêm lan tỏa không nung mủ tất cả cầu thận của hai thận. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên. Trong đó, viêm cầu thận xuất hiện sau viêm họng do liên cầu tan máu beta nhóm A xâm nhập gây viêm họng trước đó. Viêm cầu thận xảy ra sau nhiễm liên cầu 10-15 ngày. Ngoài liên cầu khuẩn, viêm cầu thận cấp có thể do tụ cầu, phế cầu và virus gây ra, nhưng rất hiếm gặp.
Khi bị viêm cầu thận do viêm họng hay các nguyên nhân khác thường không biểu hiện rõ triệu chứng. Chính vì thế bệnh thường khó phát hiện và thường diễn tiến một cách thầm lặng, kín đáo, người bệnh không biết mình bị bệnh. Chỉ khi kiểm tra máu và nước tiểu thấy có hồng cầu niệu vi thể và protein niệu. Do đó, khi thấy có biểu hiện của nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng da hay các biểu hiện của viêm cầu thận nên tới các cơ sở y tế khám. Theo các bác sĩ, người bệnh có thể nhận diện bệnh viêm cầu thận cấp dựa vào một số triệu chứng như sau:
Phù
Đây là biểu hiện thường gặp và đặc trưng khi bị viêm cầu thận xảy ra ở hầu hết người bệnh và có thể dễ dàng nhận thấy được. Khi đó, người bệnh có cảm giác nặng mặt, nề hai mí mắt, phù hai chân. Phù trước xương chày chạy quanh mắt cá, phù mềm, ấn lõm rõ. Hiện tượng phù thường xuất hiện nhiều vào buổi sáng và giảm dần về chiều. Phù phụ thuộc vào lượng nước tiểu, nghĩa là nếu số lượng nước tiểu nhiều thì phù nhiều và ngược lại số lượng nước tiểu càng ít thì phù ít. Phù thường gặp trong 10 ngày đầu và giảm đi nhanh chóng khi người bệnh tiểu nhiều. 
Tiểu ra máu đại thể
Khi viêm cầu thận cấp phát triển, người bệnh sẽ thấy xuất hiện hiện tượng đi tiểu ra toàn máu. Biểu hiện là nước tiểu có màu đỏ, không đông, mỗi ngày đi tiểu ra máu toàn bãi 1-2 lần, không thường xuyên, xuất hiện trong tuần đầu, nhưng có thể xuất hiện trở lại trong 2-3 tuần. Số lần tiểu ra máu thưa dần, 3-4 ngày bị một lần rồi hết hẳn. Đây được xem là một dấu hiệu quan trọng để nhận biết và đánh giá trình trạng bệnh.
Tăng huyết áp
Đây cũng thuộc một trong số các triệu chứng lâm sàng của viêm cầu thận thường gặp. Ở bệnh nhân là trẻ em thì huyết áp tăng dao động là 140/90 mmHg, ở người lớn 160/90 mmHg. Với những trường hợp tăng huyết áp trong nhiều ngày và lên mức 180/100 mmHg, người bệnh có cảm giác đau đầu dữ dội, choáng váng, co giật, hôn mê do phù não dẫn đến tử vong.
Suy tim
Đó là các biểu hiện như khó thở, thở nhanh và nông; không nằm được; toát mồ hôi; ho và khạc ra bọt màu hồng… Các biểu hiện này thường kèm với tăng huyết áp kịch phát, do tăng khối lượng tuần hoàn đột ngột và cũng có thể do bệnh lý cơ tim trong viêm cầu thận cấp tính. Nếu không được cấp cứu kịp thời thì người bệnh sẽ tử vong.
Hiện nay tình trạng tăng huyết áp dẫn đến co giật, hôn mê, suy tim cấp tính, phù phổi ngày một ít dần do điều kiện phục vụ y tế tốt hơn và người bệnh thường đến khám tại các cơ sở y tế và được phát hiện, điều trị kịp thời.
Tiểu ít
Biểu hiện này là không thể thiếu khi bị viêm cầu thận. Người bệnh chú ý sẽ thấy lượng nước tiểu giảm liên tục trong khoảng 3 – 4 ngày liền. Khối lượng nước tiểu thường dưới 500 ml/ngày ở những ngày đầu bệnh xuất hiện.
Ngoài các triệu chứng nêu trên, viêm cầu thận còn được biểu hiện qua một số dấu hiệu ở người bệnh như sốt nhẹ, đau tức vùng thận, đau bụng, bụng chướng nhẹ, buồn nôn,…
Viêm cầu thận là một bệnh nguy hiểm, diễn biến thầm lặng và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, thậm chí đe dọa tới tính mạng nên người bệnh cần hết sức chứ ý. Khi có biểu hiện của nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng da hay các triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm cầu thận nên tới các cơ sở y tế khám, đặc biệt cần nghỉ ngơi hợp lý.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *